Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 012

  Hits: 025311467
 
Tin tức » Người Việt bốn phương 20.04.2024 12:36
Du học sinh Việt ở Mỹ hoang mang trước nguy cơ về nước
07.07.2020 19:20

Đăng ký xong lớp online mùa thu tới, Nhi Nguyễn bất ngờ được thông báo phải chuyển trường hoặc về nước, khiến cô rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) hôm 6/7 thông báo sinh viên quốc tế giữ visa F-1 và M-1 ở Mỹ sẽ phải về nước nếu chương trình học online 100% vào mùa thu tới. Những người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất. Với những du học sinh đã rời khỏi Mỹ nhưng có chương trình học 100% online, hải quan Mỹ tại sân bay sẽ không cho nhập cảnh.

Du học sinh hiện còn ở Mỹ và đã đăng ký các môn học 100% online cho học kỳ mùa thu được yêu cầu thay đổi ngay lập tức bằng cách chuyển đến các trường có dạy trực tiếp, hoặc kết hợp hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Thông tin này được đưa ra khi nhiều trường cao đẳng và đại học của Mỹ, trong đó có Harvard, đã thông báo kế hoạch chỉ tổ chức các khóa học trực tuyến vào mùa thu do đại dịch Covid-19.

 

Sinh viên đi trong sân trường đại học Harvard ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ hôm10/3. Ảnh: Reuters

Trên các diễn đàn của du học sinh Việt tại Mỹ, hàng loạt sinh viên bày tỏ sự bất ngờ và hoang mang bởi đã xác định tiếp tục học online vào kỳ mùa thu tới và không chuẩn bị tinh thần để về nước. Một số bày tỏ bức xúc vì động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump diễn ra quá nhanh, khiến các du học sinh nước ngoài không kịp trở tay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành.

Những sinh viên ngành khoa học thường có chương trình kết hợp học online và trực tiếp tại phòng thí nghiệm, tuy nhiên, với những sinh viên ngành xã hội, quy định trên như một cách ép họ rời khỏi Mỹ.

Nhi Nguyễn, đang theo học năm hai trường cao đẳng Cascadia ở thành phố Bothell, bang Washington, là một trong số đó. Từ khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 3, nữ du học sinh này đã chuyển sang học online vào kỳ mùa xuân 2020. Sau đó, trường cũng thông báo kỳ mùa thu sẽ tiếp tục học online.

"Tuy nhiên, sáng nay lại có quy định mới như trên", Nhi chia sẻ với VnExpress. "Mình biết một số bạn đã vội vàng tìm trường có các lớp học cả trực tiếp và online để chuyển nhưng không phải ai cũng có thể chuyển được. Các trường trung học không có lớp kết hợp hay học trực tiếp. Nhiều bạn học tiến sĩ hay thạc sĩ chủ yếu học và làm nghiên cứu online nên không thể nào ứng phó kịp. Về nước vào thời điểm này cũng không có chuyến bay, phải đăng ký và chờ đợi rất lâu".

Linh Phạm, sinh viên đại học Washington, cũng hoang mang bởi chuyên ngành tâm lý và triết học mà cô đang theo đuổi chỉ có lớp online.

"Trường cũng có khá nhiều du học sinh Việt Nam. Bọn mình đã ở lại học online kỳ xuân hè vì không về nước được. Dù trường có hình thức học trực tiếp kết hợp trực tuyến nhưng ICE giới hạn mỗi sinh viên quốc tế chỉ được học một lớp online mà thôi", Linh nói.

Cô cho biết ngay sau khi có quyết định của ICE, trường đại học Washington đã nhanh chóng gửi thông báo trấn an các du học sinh quốc tế, cho biết sẽ làm việc với chính quyền. Linh đang nóng lòng chờ đợi cập nhật cụ thể về kế hoạch học tập điều chỉnh trong những ngày tới.

Ngay cả với những sinh viên đã rời khỏi Mỹ về Việt Nam học online kỳ mùa xuân từ tháng 3 như Hoàng Quốc Thái, thông tin trên cũng gây bối rối.

"Trường của mình vừa dạy online vừa dạy trực tiếp nên mình vẫn đang đợi thêm thông tin", Thái cho biết. "Điều làm mình lo lắng nhất là nếu chỉ học online và phải rời Mỹ thì sau đó du học sinh sẽ như thế nào, có được tiếp tục học online tất cả các lớp từ Việt Nam không, hay visa F1 có tạm thời bị treo và không được đăng ký học kỳ này".

So với các bạn bè đang kẹt ở Mỹ, Thái vẫn cảm thấy mình may mắn và ít phải lo lắng nhất vào lúc này. Với tình hình dịch bệnh ở Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyến bay giữa hai nước chưa nối lại, Thái dự tính mình cũng không còn cách nào khác ngoài học trực tuyến, có thể đến hết năm nay.

Du học sinh chiếm 5,5% trong tổng sinh viên theo học giáo dục đại học tại Mỹ, tương đương 1,1 triệu người vào năm học 2018-2019, theo Viện Giáo dục quốc tế. Việt Nam đứng thứ 6 trong số những nước có sinh viên du học nhiều nhất tại Mỹ, với gần 24.400 du học sinh, trong đó 69,9% học đại học, 15,2% sau đại học, 10,2% tham gia thực tập không bắt buộc và 4,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.

Quy định mới của ICE áp dụng cho các trường hợp thuộc diện visa F1, tức visa dành cho du học sinh các trường trung học, cao đẳng, đại học, và M-1, visa dành cho người đi học nghề, vì thế, không ít du học sinh Việt Nam tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Với hơn 41 tỷ USD mà sinh viên quốc tế đóng góp cho nền kinh tế Mỹ, trên các diễn đàn, nhiều người đặt câu hỏi về mục đích của động thái trên. Trong đó, giả thuyết được đưa ra nhiều nhất là chính quyền Trump đang muốn dùng quy định mới này nhằm thúc đẩy các trường tái mở cửa, một phần trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế trì trệ do Covid-19.

"Mình rất bất bình và cho rằng chính sách này mang rất nhiều màu sắc chính trị vào thời điểm sắp bầu cử tổng thống, giống như các chính sách siết chặt nhập cư gần đây. Tuy nhiên, lần này, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là các sinh viên xa nhà", Thế Anh, người đang theo học tiến sĩ tại đại học Indiana, nêu ý kiến. "Dù quy định mỗi du học sinh chỉ được học không quá một lớp online đã có từ lâu, việc siết chặt vào thời điểm này, khi hầu hết các trường đã chuyển qua học trực tuyến vì dịch bệnh, là một bước đi không hay".

Cũng học online suốt 3 tháng qua nhưng Thế Anh không bị ảnh hưởng nhiều từ quy định mới do đang học chương trình tiến sĩ, lại có học bổng toàn phần của trường nên dễ dàng chuyển đổi các lớp theo nguyện vọng. Các sinh viên đại học tự túc ở các trường đã có kế hoạch dạy online là những người bấp bênh nhất lúc này.

"Việc du học sinh chuyển sang học online khiến nền kinh tế mất đi nhiều nguồn thu như ăn ở, đi lại, sinh hoạt... vì vậy có thểchính quyền Trump muốn dùng quy định này để buộc các trường tái mở cửa giảng dạy trực tiếp", nam sinh nói.

Nhiều người khác đồng tình với ý kiến của Thế Anh, cho rằng chính quyền Trump lẽ ra có thể giải quyết một cách thiện chí, không cần phải ép du học sinh vào tình thế "ở không được, về không xong", bởi sinh viên quốc tế không phải nguồn dẫn tới dịch bệnh và chọn học online chỉ vì tình hình bất khả kháng.

Trong khi chờ thêm thông báo mới từ chính quyền, Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn, làm việc tại Khoa Sinh hóa & Sinh học phân tử, Đại học bang Oklahoma, tin rằng các trường sẽ có cách để giúp sinh viên quốc tế vượt qua khó khăn.

Bà chia sẻ du học sinh ở bang California, nơi tất cả các trường được yêu cầu dạy học trực tuyến, hay những trường ở các bang khác đã quyết định học online 100% có thể xoay xở bằng cách xin lấy tín chỉ nghiên cứu với giáo sư để có mặt trong phòng thí nghiệm hay văn phòng trường thực hiện đề tài nghiên cứu.

"Trường tôi luôn có lựa chọn này từ cả trước dịch cho sinh viên đại học và học kỳ mùa thu này cũng khuyến khích hình thức dạy kết hợp giữa online và lên lớp. Do vậy du học sinh có thể chủ động đăng ký các tín chỉ nghiên cứu này để ở lại Mỹ hợp pháp", tiến sĩ cho hay.

Là du học sinh ở Mỹ đã 10 năm nay, từng lấy bằng về khoa học sức khoẻ trước khi chuyển qua học ngành tài chính, Nhi Nguyễn cảm thấy thất vọng khi các chính sách gần đây của chính quyền Mỹ không còn ưu ái người nước ngoài, trong đó có sinh viên quốc tế, dù đây nguồn đóng góp doanh thu lớn và lao động trình độ cao cho nước Mỹ.

Khi vừa có quyết định của ICE, Nhi cũng nhận thấy những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc từ người Mỹ trên mạng xã hội với sinh viên quốc tế khiến cô bị sốc.

"Họ nói rằng thật tốt khi bây giờ chúng tôi đã có thể trở về quốc gia của mình", Nhi kể. "Vào lúc này, mình hy vọng mọi người bình tĩnh chờ đợi thông báo mới, các trường đang cố gắng hết sức bảo vệ du học sinh".

Nhi cũng đã ký vào đơn kiến nghị trên trang web Nhà Trắng kêu gọi chính quyền tạo điều kiện cho du học sinh quốc tế vừa hoàn thành chương trình học vừa đảm bảo sức khoẻ. Đơn kiến nghị hiện thu hút gần 20.000 chữ ký ủng hộ trong số 100.000 chữ ký cần thiết để được Nhà Trắng phản hồi.

Theo: Vnexpress
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru