Mekong News http://mekongnet.ru
Báo Nhật: Quân đội Myanmar "gieo gió", gặt trừng phạt - Những ai phải gánh hậu quả?
26.02.2021 18:49 | In ra

Theo báo Asahi Shimbun (Nhật Bản), có ý kiến cho rằng mục đích chính của cuộc đảo chính lần này là để bảo vệ lợi ích của các công ty có liên kết với quân đội Myanmar.

Tại sao quân đội Myanmar lại đảo chính? Theo báo Asahi Shimbun (Nhật Bản), có ý kiến cho rằng mục đích chính của cuộc đảo chính lần này là để bảo vệ lợi ích của các công ty có liên kết với quân đội Myanmar trước nguy cơ chính quyền dân sự có thể buộc các công ty này phải minh bạch hóa việc quản lý.

Thế nhưng, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty này, và ngay cả những người dân Myanmar trong nước cũng đang hô hào nhau không mua các sản phẩm của các công ty quân đội nữa. Trước tình hình như vậy, cuộc đảo chính của quân đội Myanmar có thể chính là đòn đánh gây thiệt hại cho chính các công ty có liên quan đến quân đội.

 

Người dân Myanmar biểu tình phản đối quân đội giam giữ bà Aung San Suu Kyi và các quan chức của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) hôm 18/2/2021 tại Mandalay, miền trung Myanmar. Ảnh AP

Vào ngày 11/2 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố lệnh trừng phạt 10 quan chức quân đội Myanmar, trong đó có Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, người chỉ huy cuộc đảo chính, và ba công ty có quan hệ mật thiết với quân đội Myanmar.

Theo Reuters, ba công ty nói trên là các doanh nghiệp khai thác đá quý dưới sự bảo trợ của Myanma Economic Holdings Limited (MEHL), tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.

Ngoài MEHL, quân đội Myanmar còn sở hữu một tập đoàn khác là MEC (Myanmar Economic Corporation). Cả MEHL và MEC đều sở hữu hàng loạt các công ty về nhiều lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, sản xuất thép… và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Myanmar.

Mâu thuẫn lợi ích?

Theo giáo sư Nemoto Kei từ Đại học Sophia, một người rất am hiểu về lịch sử Myanmar, tiền thân của cả MEHL và MEC đều là Hiệp hội Quốc phòng, bắt đầu từ năm 1950 với một cửa hàng bán nhu yếu phẩm. Cho đến đến thập niên 1960, Hiệp hội này đã phát triển thành một tổ chức lớn, bao gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển.

Quân đội Myanmar đã thành lập MEHL vào năm 1990 và MEC vào năm 1997. Thập niên 1990 là thời gian mà Myanmar bắt đầu tư nhân hóa hạn chế một phần nền kinh tế và mở cửa một số ngành, cho phép nhận đầu tư nước ngoài. Hai tập đoàn phát triển dựa vào việc thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước hoạt động tốt trong quá trình tư nhân hóa và thành lập các liên doanh với các công ty nước ngoài.

Cả MEHL và MEC đều bị cáo buộc hoạt động thiếu minh bạch. Cả hai tập đoàn đều thuộc sở hữu của quân đội, nhưng các vấn đề như doanh thu hay lợi nhuận lại không phải chịu thẩm tra của Quốc hội. Lợi nhuận hay cổ tức mà các cổ đông nhận được từ hai tập đoàn này đều không được không khai.

Giáo sư Nemoto nói: "Có vẻ như lợi nhuận mà các tập đoàn thuộc quân đội Myanmar thu được lớn hơn ngân sách quốc phòng hàng năm vào khoảng 2,35 tỷ USD. Khoản ngân sách này vốn đã đảm bảo cho các quân nhân có một cuộc sống sung túc và đáp ứng được việc mua sắm vũ khí từ nước ngoài".

Tuy nhiên, chính quyền dân sự do Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu lãnh đạo năm 2016 bày tỏ rằng họ sẵn sàng tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và sửa đổi Hiến pháp hiện hành, vốn có nhiều điều khoản có lợi cho quân đội Myanmar. Điều này được cho là đã khiến quân đội Myanmar nghĩ rằng lợi ích của họ sẽ bị đe dọa.

Sau khi chính quyền dân sự được thành lập, các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đầu tư vào Myanmar. Thực trạng thiếu minh bạch của các công ty có liên kết với quân đội bắt đầu bị cộng đồng quốc tế xem xét kỹ lưỡng.

Cuộc đảo chính vừa qua cũng đã có những tác động tiêu cực đến các tập đoàn được quân đội Myanmar hậu thuẫn. Kirin Holdings, một trong những ông lớn của ngành bia Nhật Bản tham gia thị trường bia Myanmar vào năm 2015, đã tuyên bố họ sẽ rút khỏi liên doanh với MEHL.  

Người dân Myanmar tổ chức các cuộc biểu tình, kêu gọi không mua các loại hàng hóa do các công ty quân đội sản xuất như bia hay thuốc lá. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, đã có nhiều người đến rút tiền gửi ở các ngân hàng liên kết với quân đội.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen trong một tuyên bố đã cảnh báo: "Nếu Quân đội Myanmar tiếp tục có các hành động bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, họ sẽ biết rằng lệnh trừng phạt hôm nay mới chỉ là khởi đầu mà thôi." Nếu lệnh trừng phạt được mở rộng, chắc chắn nền kinh tế Myanmar, bao gồm cả các tập đoàn quân đội sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng./.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=107463
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru