Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 006

  Hits: 025493301
 
Tin tức » Tin thế giới 27.07.2024 07:10
Bộ 3 nước châu Âu hành động, 70.000 quân NATO có thể khóa chặt Kaliningrad: Điện Kremlin phản ứng
22.11.2023 19:09

Động thái bất ngờ của 3 nước châu Âu được cho là nằm trong chiến lược của phương Tây nhằm khóa chặt vùng Kaliningrad của Nga.

Phần Lan đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga?

Theo hãng thông tấn TASS, giới chức Phần Lan đang có kế hoạch đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga.

TASS dẫn thông tin từ tờ Iltalehti của Phần Lan cho biết, chính phủ của Thủ tướng Petteri Orpo có thể sẽ đóng 4 cửa khẩu còn lại ở biên giới với Nga, gồm các cửa khẩu Vartius, Salla, Kuusamo và Raja-Jooseppi.

Hiện tại, quân đội Phần Lan đã được điều động đến trạm kiểm soát biên giới Vartius. Trả lời Đài truyền hình Phần Lan Yle, Giám đốc đồn biên phòng Juoki Kinnunen cho biết quân đội đang dựng hàng rào an ninh tạm thời tại trạm kiểm soát.

Trước đó, chỉ trong vòng 1 tuần qua, Phần Lan đã đóng 5 trong số 9 cửa khẩu biên giới với Nga. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh lượng người xin tị nạn đổ vào biên giới phía đông nam Phần Lan gần đây tăng đột biến.

Đối với người Nga, việc không thể vào Phần Lan có thể dẫn tới nguy cơ bị tịch thu bất động sản trên diện rộng. Lý do là bởi chính phủ Phần Lan đang có kế hoạch cho phép tịch thu tài sản từ những chủ sở hữu không thể liên lạc được hoặc chậm thanh toán với thời hạn đến năm 2027.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen mô tả, việc đóng cửa khẩu biên giới là "một thông điệp rõ ràng gửi tới Nga" - quốc gia mà ông cáo buộc đang sử dụng người tị nạn để "đẩy nhanh cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu và làm mất ổn định sự thống nhất của nước này".

 

Xe của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan (FDF) tại đồn biên giới Vartius ở Kuhmo, Đông Phần Lan, ngày 19/11. Ảnh: AFP

Estonia và Na Uy có hành động tương tự

Đáng lưu ý, căng thẳng hiện nay không chỉ dừng ở giữa Nga và Phần Lan. Hai quốc gia NATO khác là Estonia và Na Uy cũng có các động thái tương tự.

Hãng tin RT cho biết, giới chức Estonia đã bố trí hàng loạt vật cản xe tăng bằng bê tông, còn gọi là "răng rồng" ở cửa khẩu Narva giáp biên giới với Nga.

Ông Marek Liiva – chỉ huy đồn biên phòng Narva – cho biết, các vật cản được bố trí phòng trừ trường hợp chính phủ Estonia quyết định đóng cửa biên giới và cấm người nhập cảnh từ Nga.

Trong khi đó, lãnh đạo biên phòng Estonia Veiko Kommusaar nói rằng nước này đang cân nhắc khả năng phong tỏa hoàn toàn biên giới với Nga, đồng thời khuyến cáo người dân không di chuyển từ Estonia đến Nga bởi "việc quay lại sẽ rất khó khăn".

Về phần Na Uy, Bộ trưởng Tư pháp nước này Emilie Enger Mehl hôm 16/11 xác nhận Na Uy cũng đang xem xét bước đi tương tự.

Bà Mehl cho biết, hiện không có hoạt động người di cư bất thường tại cửa khẩu Storskog – điểm nối biên giới duy nhất giữa Nga – Na Uy trên đất liền. Tuy nhiên, Na Uy vẫn đang theo dõi tình hình một cách cẩn trọng để đóng cửa biên giới kịp thời nếu cần.

"Làn sóng di cư có thể được sử dụng như một phương tiện để tạo ra tình trạng bất ổn, và đó là kịch bản mà chúng tôi đang chuẩn bị ứng phó" – Bà Mehl nhấn mạnh.

Chiến lược khóa chặt Kaliningrad?

Ở một cách nhìn nhận khác, giới phân tích cho rằng việc cả 3 nước NATO tiến hành/cân nhắc đóng cửa biên giới với Nga là một tín hiệu quan trọng. Những bước đi này có thể nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của phương Tây nhằm khóa chặt vùng Kaliningrad của Nga.

Theo tờ Business Insider, Kaliningrad là tiền đồn quân sự lớn, cho phép Moscow triển khai sức mạnh sâu vào lãnh thổ NATO và EU. Vùng lãnh thổ này giáp "Khoảng trống Suwalki" – dải đất hẹp, dài 60km ở biên giới Ba Lan - Lithuania.

"Khoảng trống Suwalki" được xem là điểm yếu lớn nhất của NATO do trong trường hợp xảy ra xung đột tiềm tàng với Nga, Suwalki có thể bị pháo binh từ cả hai phía Nga và Belarus tấn công.

Theo Avia.Pro, để ngăn chặn mối đe dọa từ Nga, lực lượng quân sự với quy mô đáng kể của các nước phương Tây đã đóng quân xung quanh Kaliningrad, bao gồm các đơn vị quân đội Mỹ, Ba Lan và Latvia.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Lữ đoàn xe tăng số 42 của Lithuania dự kiến sẽ được triển khai gần hành lang Suwalki. Tổng số quân NATO ở khu vực quanh Kaliningrad có thể lên tới khoảng 70.000 người. Trong khi đó, theo đài RFI, tổng quân số Nga được triển khai tại Kaliningrad ước tính là 30 nghìn người.

Các sư đoàn quân sự Ba Lan đóng gần Kaliningrad thường xuyên được huấn luyện nâng cao với các bài tập và vũ khí hiện đại. Hiện NATO đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn từ tháng 2 – tháng 3/2024 để tăng cường khả năng phối hợp chiến đấu với các lực lượng.

Trong những năm gần đây, Nga đã hiện đại hóa và tăng cường lực lượng ở Kaliningrad, triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật và tên lửa hành trình tới vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Dmitry Gorenburg tại Trung tâm Phân tích Hải quân ở Virginia (Mỹ), Kaliningrad cũng là điểm yếu đối với Nga.

Do Kaliningrad được bao quanh bởi lãnh thổ các nước NATO nên việc cắt đứt nó với lục địa của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột sẽ dễ dàng hơn. Lithuania và các nước láng giềng Baltic ở phía bắc - với quân đội nhỏ hơn - có thể tập trung vào hoạt động phòng thủ khi đối đầu Nga, nhưng Ba Lan ở phía nam là một trong những đội quân mạnh nhất liên minh.

Trong khi đó, St.Petersburg - thành phố cảng quan trọng hàng đầu của Nga, được kết nối với Biển Baltic thông qua Vịnh Phần Lan - tuyến đường thủy hẹp, giáp với Phần Lan ở phía bắc và Estonia ở phía nam.

Với việc Phần Lan gia nhập NATO và tham gia vào chiến lược "khóa Kaliningrad", vịnh Phần Lan sẽ trở thành điểm nghẽn trong cuộc xung đột, làm hạn chế hoạt động vận chuyển hàng hải của Nga và làm phức tạp thêm các nỗ lực tiếp ứng cho Kaliningrad bằng đường biển.

Điện Kremlin phản ứng

Phản ứng trước Phần Lan- quốc gia đang có những động thái gay gắt nhất trong số 3 nước châu Âu trên, Điện Kremlin cho biết Nga "vô cùng lấy làm tiếc" trước quyết định của Helsinki.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đồng thời bác bỏ cáo buộc của Phần Lan cho rằng Nga đang tìm cách đẩy những người di cư bất hợp pháp về phía biên giới nhằm trả đũa việc Helsinki tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington.

Cũng theo ông Peskov, lực lượng biên phòng Nga đang thực hiện nhiệm vụ theo đúng các quy tắc được đề ra.

"Việc này gây ra sự tiếc nuối sâu sắc, bởi chúng tôi có mối quan hệ lâu dài, rất tốt với Phần Lan, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau" – Ông Peskov nói – "Chúng tôi rất tiếc khi mối quan hệ này đã được thay thế bằng quan điểm cực kỳ bài Nga".

Bộ Ngoại giao Nga sau đó thông báo đã gửi công hàm phản đối chính thức tới đại sứ Phần Lan tại Moscow, nhấn mạnh việc Phần Lan đóng cửa khẩu biên giới là vi phạm "quyền và lợi ích của hàng chục nghìn công dân" ở cả hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo nếu Phần Lan đóng cửa biên giới, Moscow sẽ đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340km với Nga. Quốc gia Đông Âu đã trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO từ tháng 4 năm nay.

Theo: Theo Đời sống và Pháp luật
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru