Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 001

  Hits: 025324635
 
Tin tức » Tin cộng đồng » Người Việt ở Volgagrad 24.04.2024 23:30
Cộng đồng người Việt ở thành phố Volgagrat
04.06.2009 00:59 - Mekong News Giữ Bản quyền

Sau một thời kỳ gián đoạn, vào năm 1967, sinh viên Việt Nam mới trở lại học tập ở Liên Xô. Mặc dù ở thành phố Volgagrat có tới gần 50 trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, nhưng số sinh viên Việt Nam đến học tại đây vào cuối thập kỷ 60 – 70 mới ở mức khiêm tốn, tập trung ở một số trường Xây dựng, Công an, Bách khoa và một vài trường kỹ thuật.

Với Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước Liên Xô - Việt Nam được ký kết vào năm 1981, số công nhân lao động Việt Nam đã có mặt, làm việc ở hầu hết các thành phố của Nga và các nước Cộng hoà. Riêng thành phố Volgagrat vào thời điểm cao nhất có tới gần 2.500 anh chị em. Công nhân Việt Nam đến Volgagrat thời kỳ hợp tác lao động chủ yếu làm công nhân trên các công trường xây dựng, trong một số nhà máy may mặc, dệt và may giày. Xưởng may da giày ở ngoại ô thành phố vào thời điểm 1984 cũng thu hút được chừng 500 công nhân làm việc.

So với các thành phố khác của Liên Xô thời bấy giờ, công nhân Việt Nam sống ở Volgagrat có rất nhiều thuận lợi do giá nông sản rẻ, hàng hoá công nghiệp sẵn. Vì trong thành phố có cảng lớn, việc gửi hàng hoá về nước cũng khá dễ dàng.

Vào đầu những năm 1990, Liên Xô tan vỡ, các hợp đồng lao động mặc nhiên bị chấm dứt, đại đa số công nhân phải trở về nước. Một phần lớn anh em, do nhiều lý do khác nhau, đã ở lại với mục đích sinh kế. Cũng như các thành phố khác, người Việt Nam ở Volgagrat tập trung vào hoạt động kinh doanh. Nguồn hàng từ trước tới nay, các doanh nhân Việt Nam đều khai thác từ Matxcơva. Do khoảng cách xa, an ninh không đảm bảo, cộng đồng người Việt tại Volgagrat đã phải trải qua nhiều cơn sóng gió.

Địa điểm kinh doanh suốt 25 năm qua của người Việt tại Volgagrat là chợ T’ractor, vừa bán buôn, vừa bán lẻ. Chợ bao gồm 3 khu vực, phần lớn do người Nga quản lý, tiếp đó là người Việt, cuối cùng là người Hoa. Do sức thu hút khá mạnh mẽ, các doanh nhân của các thành phố lân cận cũng tập trung về Volgagrat.

Trong mấy năm gần đây, người Việt tại Volgagrat đã chủ động mở ra theo hướng sản xuất. Việc thuê đất nông nghiệp, tuyển dụng công nhân trồng rau xanh để cung cấp cho cộng đồng người Việt và người Nga được chính quyền quan tâm và ủng hộ. Dù đang có những khó khăn ban đầu nhưng đây là một hướng đi đúng đắn và là sách kế lâu dài của người Việt ở Volgagrat.

Công nhân Việt Nam thu hoạch cà chua

Gần đây, dựa vào lợi thế mặt bằng giá thấp, nhu cầu tiêu thụ hàng theo mùa của chợ rất lớn, một xưởng may theo tiêu chí xưởng trắng - hợp pháp đã ra đời. Nếu đầu tư mạnh vào hướng này, hy vọng rằng, nó sẽ cung cấp được một số lượng lớn mặt hàng đa dạng cho các doanh nhân ở chợ T’ractor và các thành phố lân cận.

Cộng đồng người Việt ở Volgagrat, theo con số tương đối chính xác, ước tính khoảng 600 người là một cộng đồng ổn định, đoàn kết và phát triển. Hoạt động thể thao của cộng đồng khá mạnh và hàng năm Công ty tổ chức các giải thể thao, giao lưu, thi đấu hữu nghị với các thảnh phố lân cận.

Số lượng doanh nhân ở chợ T’ractor có khoảng 300 người, gần 100% có giấy tờ hợp pháp, trong số đó có tới 40 người có thẻ định cư.

Mặc dù chỉ xấp xỉ 120 người, nhưng lực lượng sinh viên đang theo học tại thành phố Volgagrat cũng là một lực lượng mạnh. Với độ nhanh nhạy, với vốn kiến thức được đào tạo, số sinh viên này đã góp phần vào sự hội nhập của cộng đồng với nhân dân sở tại. Cộng đồng người Việt đang làm việc, sinh sống tại đây, đặc biệt là chi hội người Việt đã có những hỗ trợ kịp thời và có ý nghĩa đối với phong trào sinh viên Việt Nam tại thành phố Volgagrat. Hàng năm kết thúc năm học, Công ty hỗ trợ thưởng sinh viên xuất sắc năm học và đạt giải các cuộc thi. Tập thể sinh viên ở Volgagrat luôn có các phong trào văn - thể rất phong phú như: Cuộc thi về kiến thức mọi mặt mang tên “Đường lên đỉnh Mamaiev”; Cuộc thi về kiến thức, năng khiếu âm nhạc mang tên “Trò chơi âm nhạc”; Cuộc thi tôn vinh cái đẹp ngoại hình và nhân cách mang tên “Mr & Miss Svol”; Giải bóng đá mini và các giải thể thao khác….

Có được điều đó, một phần lớn là do tinh thần hoạt động đầy trách nhiệm, tích cực và vô tư của Chi hội người Việt, của lãnh đạo Công ty Volga - Việt, đứng đầu là ông Dương Hải An. Chi hội Người Việt Nam ở Volgagrat là một trong những đơn vị tham gia tích cực nhất trong việc hỗ trợ đồng bào trong nước bị bão lụt, thiên tai. Chi hội cũng luôn luôn hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của cộng đồng, của Đại sứ quán, tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ nhân dân Nga ở địa phương. Có thể nói, đó là những đóng góp quý báu của bà con người Việt ở Volgagrat đối với cộng đồng người Việt ở nước Nga và nhân dân Nga.

Bộ Ngoại giao Việt Nam, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Đại sứ quán và Hội người Việt Nam ở LB Nga đã ghi nhận và đánh giá rất cao những hoạt động của chi hội Người Việt Nam ở Volgagrat, coi chi hội Volgagrat là một tấm gương cho các đơn vị khác của bà con người Việt ở LB Nga.

Bài và ảnh: CTV mekongnet

4 37/9    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru