Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 007

  Hits: 025267529
 
Tin tức » Trang văn nghệ 29.03.2024 00:18
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh: 'Vụ đạo thơ, tôi coi như Phan Huyền Thư đã nghịch dại'
22.10.2015 09:55
Thưa ông, mới đây nhà văn Phan Huyền Thư bị tố “đạo thơ” vì tập thơ Sẹo độc lập của cô có tác phẩm Bạch lộ giống với bài thơ Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Là một nhà thơ, ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về việc này?

Bản thân tôi cũng chưa tìm hiểu rõ sự tình mà chỉ nghe đồng nghiệp nói qua về việc này. Nếu đúng sự việc đã diễn ra như vậy, Phan Huyền Thư cũng đã biết lỗi, chủ động xin lỗi thì chúng ta nên tha thứ. Trong văn chương, về những việc giống nhau ở các tứ thơ, câu thơ cũng xảy ra nhiều. Nhưng “giống nhau” ở đây không phải là copy hoàn toàn mà phát triển thơ từ những ý của bài thơ gốc để có những sáng tạo cho riêng mình. Đó mới đúng là sáng tác.
Cuộc đời của tôi, làm thơ cũng nhiều, sáng tạo cũng nhiều, sáng tạo trên ý thơ cũ cũng nhiều, ví như bài thơ Trường ca Tam Tiêu là tôi phát triển trên ý thơ, nền thơ cũ của người Campuchia, sáng tạo trên bản tác và nâng cao nó lên. Ngay cả như thời kỳ Thơ mới, các nhà thơ nổi tiếng của chúng ta đa phần cũng phát triển từ ý tứ của thơ Pháp và dịch ra, vừa dịch vừa lồng cả cảm hứng của mình vào để đưa nó thành một bài thơ phù hợp với giai điệu cũng như hoàn cảnh từng thời kỳ.

Sự việc giống nhau giữa các bài thơ không phải là hiếm, mà ở đây chính là việc trao giải thưởng vào đúng tập thơ đó. Đương nhiên, đó là điều khó có thể chấp nhận nổi từ một hội viên của Hội nhà văn.

Nhà thơ Phan Huyền Thư ban đầu đã gửi thư để xin trả lại giải thưởng của Hội nhà văn và xin lỗi độc giả nhưng không thừa nhận mình “đạo” thơ. Đến khi vụ việc bắt đầu “nóng” lên thì chị mới gửi thư xin lỗi tác giả Phan Ngọc Thường Đoan. Tuy nhiên, lời xin lỗi này đã không được tác giả chấp nhận. Là chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông có định khai trừ Phan Huyền Thư ra khỏi Hội nhà văn vì lý do này?

Chưa bao giờ Hội nhà văn và cả tôi muốn sa thải bất kỳ một hội viên nào. Bởi lẽ, người yêu thơ đã hiếm, người sáng tác thơ còn hiếm hơn. Họ yêu thơ, họ yêu văn, họ xao động với từng cảnh vật, sáng tạo câu chữ để thành những bài thơ hay thì lý do gì mình lại ngăn cản họ?

Trở lại về việc của Phan Huyền Thư tôi luôn coi Phan Huyền Thư là thế hệ con cháu, nếu có gặp thì chú chỉ vỗ vai động viên, chia sẻ và khuyên nhủ. Điều khuyên nhủ chính là những lời nói khi con cháu của mình làm những việc sai trái, nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Con cháu, tôi chưa bao giờ mắng mỏ một người nào, tôi chỉ động viên và luôn cho rằng mỗi một sai lầm là một bài học để rút kinh nghiệm, để đứng lên từ những vấp ngã đó.

Bản thân tôi cho rằng Phan Huyền Thư đã nghịch dại, một trò nghịch dại quá sai lầm ở độ tuổi này và ở vị trí như Thư. Phan Huyền Thư là một người giỏi, nó có thể sáng tạo những bài thơ, những ý văn rất hay. Có thể khoảng thời gian này, Thư đã đọc ở đâu đó những tứ thơ và lưu lại ở trong đầu. Sự lười phát triển đã dẫn đến việc Thư vướng phải “lùm xùm đạo thơ” này. Tôi chỉ lấy làm tiếc cho Thư vì ở tầm này của Thư, điều Thư cần chú ý là việc khác chứ không phải là để dính những vụ việc không đáng này.

Về việc tác giả Thường Đoan không chấp nhận lời xin lỗi của Phan Huyền Thư, đối với bản thân nhà thơ, Phan Huyền Thư nên làm gì?

Là một người lớn, lớn hơn cả hai nhà thơ nổi tiếng này, tôi chỉ muốn nói: Khi mình là người lớn, mình nên bao dung hơn với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường hay bồng bột, háo thắng, ham danh, nên có thể những hành động của Phan Huyền Thư đã xúc phạm tới danh dự của Phan Ngọc Thường Đoan nên lời xin lỗi thông thường có lẽ khó chấp nhận ở thời điểm hiện tại.

Nhưng thời gian qua đi, chúng ta nên nhìn nhận ở một góc độ của những người làm thơ với nhau, của người lớn đối với các thế hệ sau của mình. Nên tha thứ, nên bao dung và chỉ bảo tận tình nếu có lỡ mắc sai lầm. Thời tuổi trẻ qua đi, ai cũng có những lần sai lầm và phải đánh đổi, đôi khi đánh đổi cả sự nghiệp, cả danh dự của mình gây dựng bao lâu nay. Việc người nọ bắt chước người kia chỉ chứng minh sự không giỏi giang của người khác, chúng ta có thể nhắc lại, có thể khuyên răn, nhưng hãy nên tha thứ. Phan Huyền Thư có lỗi và cô ấy đã xin lỗi, tôi nghĩ Thư nên viết thư gửi riêng hay trò chuyện riêng cùng tác giả., bày tỏ lòng xin lỗi chân thành.

Sự việc, dù đúng hay sai, thiên hạ cũng đã hiểu, bạn đọc cũng đã hiểu bài thơ thực chất là của ai, thuộc về ai. Đừng nên làm quá mọi việc để dẫn đến những câu chữ hạ bệ người khác, đó chính là lời chia sẻ của chú. Hiện tại, chú đang ở Sơn La, thăm nhà tù Sơn La và sau khi nhìn hình ảnh cha ông ta trước đây bị tra tấn, chú thấy mọi thứ thật “vô thường”. Từ khổ đau, khó chịu hay ganh đua đều không bằng những gì mình cần có đó chính là sự bình yên. Bình yên trong tâm, bình yên trong cuộc đời.

Cảm ơn ông đã chia sẻ.


Minh Khuê

Theo: motthegioi
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru